Vì vậy, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài; quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Theo TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng, nhân tài là người có năng lực vượt trội, có ý chí cao, biết cống hiến và được ghi nhận. Nhân tài phải được gắn với một lĩnh vực hoạt động cụ thể với chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Bên cạnh đó, cần phân biệt nhân tài với người học giỏi. Người học giỏi có bằng cấp cao chưa chắc phải là người tài nếu thiếu một ý chí cao trong công việc và thiếu thành tích, cống hiến cụ thể.
Nhân tài trong khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức) được hiểu là người có năng lực vượt trội, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều thành tích, cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân. Vậy, nhân tài cần có mặt ở những vị trí công việc nào trong khu vực công? Theo TS. Dương Quang Tung thì các vị trí đó là: lãnh đạo, quản lý; các vị trí tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển, cả về chiến lược và chiến thuật; các vị trí công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao.
Đối với các vị trí công việc có tính chất thừa hành, thực thi cụ thể, kể cả trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập không cần thiết phải thu hút, trọng dụng nhân tài mà chỉ cần có những công chức, viên chức, người lao động có kiến thức, kỹ năng cần thiết và có động cơ, thái độ làm việc đúng đắn là được. Mặt khác, những vị trí công việc này chắc chắn sẽ không thu hút được nhân tài vì nhân tài không bao giờ muốn chỉ thực thi công việc một cách khuôn mẫu, cứng nhắc, thiếu không gian, môi trường cho sự sáng tạo, phát triển, TS. Dương Quang Tung cho biết thêm.
Còn theo PGS. TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước cần phải thể hiện rõ và cụ thể hóa được quan điểm “Nhân tài là nguyên khí quốc gia” và phải xây dựng được cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công. Bên cạnh đó, không nên trừu tượng hóa nhân tài để trở thành một khái niệm khó xác định mà quan niệm nhân tài ở nhiều cấp bậc khác nhau, mức độ khác nhau. Đồng thời, cần trân trọng phát hiện, bồi dưỡng ở những cấp bậc đó và cần phải trọng dụng nhân tài để “Sĩ phu không ngoảnh mặt”.
PGS. TS. Lê Minh Thông nhấn mạnh, đầu tư cho nhân tài là “đầu tư rủi ro”, nhân tài có thể rơi rụng, có thể chưa phát huy được năng lực, sở trường ở từng thời điểm nhất định; đầu tư cho nhân tài là tốn kém nhưng ngược lại, nếu họ phát huy được năng lực sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi. Do đó, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ “không phải thu hút để sai vặt”. Cùng với đó, nhân tài rất cần môi trường để thể hiện năng lực, do đó, cần phải “dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng cho đúng cái tài năng của họ vào đúng việc, đúng sở trường; không ai tài năng toàn diện, trừ các “anh hùng tái thế”.
PGS. TS. Lê Minh Thông cũng lưu ý, thông thường những người có tài thường có “tật”; do đó, cần phải có sự tôn trọng nhất định, phải tạo cho họ có được môi trường để cống hiến, để sáng tạo. Nhân tài không thể đem lại kết quả ngay tức thì như mong đợi, các cơ quan, đơn vị cần phải biết kiên nhẫn để chờ nhân tài “đơm hoa kết trái”, cho kết quả xứng đáng với “giá trị đầu tư”. Và để thu hút được nhân tài, PGS. TS. Lê Minh Thông cho rằng, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, ý thức kém, phải làm cho bộ máy tinh gọn, như vậy mới có chỗ để thu hút người có tài năng. Đã là công chức, viên chức thì cơ bản phải là tinh hoa.
Theo GS. TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có những người có tài có thể làm thay đổi nhận thức của thế giới, làm thay đổi cả thế giới trên nhiều phương diện. Nhân tài có mặt ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị, hành chính đến kinh tế, văn hóa, xã hội… do đó, cần phải có cách để sàng lọc, phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng họ…
* Chiều cùng ngày, Bộ Nội vụ phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương và Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng chính sách về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch đối với đội ngũ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, thực hiện việc ưu tiên cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số trong thi tuyển, xét tuyển, bố trí, phân công công tác và đối với các đối tượng cử tuyển sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các chính sách về ưu tiên tuyển dụng linh hoạt, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương.
Tuy nhiên, để hệ thống văn bản về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức nói chung mặc dù được ban hành nhiều nhưng còn thiếu quy định cụ thể đối với công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Công tác kiểm tra và báo cáo thực hiện các chính sách chưa được chú trọng thường xuyên, nên chưa được phản ánh, kiến nghị kịp thời. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa tương ứng với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số.
Để đảm bảo chất lượng báo cáo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo tích cực trao đổi, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, như: Đánh giá về chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ người dân tộc thiểu số trong xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào DTTS trên cả nước; Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đánh giá kết quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; Một số vấn đề về xây dựng đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…