Tỉnh Phú Yên có 06 tôn giáo lớn đang hoạt động, gồm Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật đường Nam tông Minh sư đạo với tổng số tín đồ khoảng 265.000 người, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, với khoảng gần 390 chức sắc và trên 450 chức việc, đại đa số chức sắc, chức việc các tôn giáo đều sinh hoạt thuần túy, tích cực thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo…những đóng góp đó đã tạo sự lan tỏa tích cực và đem lại những giá trị thiết thực trong đời sống xã hội, luôn được chính quyền các cấp và nhân dân trân trọng, ghi nhận.
Thời gian qua, trước tác động của tình hình dịch bệnh Covid -19, với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, tỉnh Phú Yên đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề về dịch bệnh, trong những lúc đỉnh điểm của dịch bệnh liên tục ghi nhận hàng trăm ca F0 lây nhiểm cộng đồng mỗi ngày, tác động sâu sắc đến tinh thần, sức khỏe, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân [1]. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, từ những chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính, quyền địa phương, Ban Tôn giáo tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản gửi đến lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trực thuộc ở Phú Yên để hướng dẫn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tôn giáo; đề nghị tạm dừng các hoạt động, nghi lễ sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ y tế và chính quyền địa phương; đồng thời vận động, kêu gọi chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và đồng bào có đạo phát huy giá trị đạo đức tôn giáo, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với Nhân dân, huy động đóng góp nguồn lực của các tôn giáo vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trên tinh thần đó, các tổ chức tôn giáo đã tích cực ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, định hướng, tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhắc nhỡ tín đồ của tôn giáo mình gương mẫu, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo[2]; kêu gọi chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo trong và ngoài nước đã giúp đỡ tiền mặt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, cung cấp hàng tấn lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu và hàng nghì suất ăn miễn phí cho người dân trong các vùng dịch, nhất là những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn khả năng dự trữ lương thực, không phân biệt có tôn giáo hay không có tôn giáo; kêu gọi ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ thành lập để mua vaccine phòng dịch cho Nhân dân và hưởng ứng, tham gia tiêm Vắc xin phòng Covid-19 [3]. Với những nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng thiện nguyện của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã được chính quyền, nhân dân trong tỉnh rất trân trọng, làm lan tỏa tinh thần bác ái, nhân văn của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên ủng hộ quỹ Vaccine phòng COVID-19 (Ảnh: Giáo hội)
Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo đã chủ động chuyển từ hình thức sinh hoạt truyền thống sang sinh hoạt tôn giáo trực tuyến, cầu nguyện online nhằm hạn chế tập trung đông người, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch, qua đó đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong những thời điểm phải thực hiện giản cách xã hội để phòng chống, dịch Covid -19. Nhiều lễ trọng tôn giáo như: lễ Phục sinh, hành hương thánh địa La Vang, lễ kính Á Thánh An rê Phú Yên…trong Công giáo; lễ Vu Lan báo hiếu trong Phật giáo, Lễ trung ngương và hội nghị Nhơn sanh trong Hội thánh Cao Đài... được thay đổi cách thức tổ chức để hạn chế nguy cơ lây lan; tạm dừng các hội nghị thường niên, đại hội Phật giáo cấp huyện; sử dụng các trang truyền thông của giáo hội sinh hoạt tôn giáo và cầu nguyện online tại gia đình; không tổ chức lễ hội tập trung đông người; không mời đón chức sắc ngoài tỉnh đặc biệt là những tỉnh bạn đang có dịch về Phú Yên. Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo cũng đã thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình phòng chống dịch Covid-19 từ các nguồn tin chính thống và phổ biến rộng rãi đến chức sắc, chức việc, tín đồ, các cơ sở tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về dịch; chủ động tuyên truyền, nhắc nhỡ các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe, không chia sẻ các thông tin tiêu cực không đúng về tình hình dịch bệnh trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Nhiều chức sắc, chức việc cũng đã lên tiếng phản bác các thông tin sai lệnh về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo tín đồ và phê phán các hoạt động lợi dụng tình dịch bệnh, lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chính quyền.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Ban Tôn giáo qua nhiều phương diện khác nhau đã chủ động liên lạc, gặp gỡ các vị chức sắc, chức việc tiêu biểu để tranh thủ, vận động tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch theo biện pháp “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước), “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và thông điệp 5K + Vắc xin (khẩu trang; khử khuẩn; khoảng cách; không tập trung; khai báo y tế). Những việc làm đó tạo ra những “nguồn vắc-xin ý thức” trong cộng đồng tôn giáo ở địa bàn Phú Yên góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch covid-19.
Từ những đóng góp tích cực và sự đồng hành của Ban tôn giáo với các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở Phú Yên trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, cho thấy công tác vận động, tranh thủ, tập hợp, phát huy vai trò chức sắc, chức việc các tôn giáo phục vụ sự nghiệp cách mạng là một việc làm đúng đắn, trách nhiệm, qua đó phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, các nguồn lực của các tôn giáo trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.
[1] Tính ngày 23/6/2021 đến nay (26/10/2021), Phú Yên đã ghi nhận hơn 3.104 ca dương tính với SARS-CoV-2, đã có 35 ca tử vong.
[2] Thông báo ngày 02/9/2021 của Tòa Giám mục quy Nhơn gửi Cộng đồng dân chúa Giáo phận quy Nhơn về việc tiếp tục tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó kêu gọi tinh thần bác ái Kitô giáo và “lá lành đùm lá rách” của con dân Việt Nam, Tòa Giám mục khuyến khích các hoạt động chia sẻ, bác ái, thiện nguyện… của cá nhân cũng như cộng đoàn; đặc biệt, quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ những “nạn nhân Covid” neo đơn túng ngặt, miễn không ảnh hưởng đến sự an toàn bản thân và tập thể, và theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương; các văn bản triển khai công tác phòng chống dịch Covid - 19 của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên (số 101/BTS –VP ngày 9/5/2021, 156/BTS-VP, ngày 26/6/2021, 163/BTS ngày 05/8/2021..) với tinh thần kêu gọi, tuyên truyền Tăng Ni, phật tử nâng cao nhận thức, chấp hành việc dừng triệt việc tổ chức các hoạt động tôn giáo, thực hiện “cấm túc, ai ở đâu ở đấy”, kêu gọi đạo tràng, phật tử phát tâm, chia sẽ nguồn lực, thực phẩm cần thiết giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đóng góp nguồn lực cho quỹ Phòng chống dịch Covid -19 và quỹ Vắc-xin-19, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 theo hướng dẫn của chính quyền.
[3] Theo thống kê sơ bộ các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Phú Yên đóng góp trên 05 tỉ đồng để hỗ trợ các nhu yếu phẩm, thiết bị vật tư y tế cho nhân dân trong các khu vực phong tỏa, khu dân cư bị ảnh hưởng Covid-19, hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và chính quyền các cấp, Quỹ vắccine phòng Covid-19, tích cực vận động chức sắc, tín đồ tham gia nhắn tin ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 qua tổng đài 1408…