Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số…
Về kết quả triển khai Chính quyền điện tử tỉnh Phú Yên, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0); đã kết nối Trục liên thông văn bản, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Công báo điện tử,… của tỉnh với Trục, Cổng quốc gia. Riêng Hệ thống thông tin báo cáo đang thực hiện; triển khai kết nối liên thông Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đang triển khai các thủ tục thực hiện dự án đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh đã triển khai hệ thống Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu UBND cấp tỉnh, cấp huyện; HĐND tỉnh triển khai kỳ họp HĐND không giấy tờ. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các ngành để hoàn thiện Dự thảo Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Phú Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.
Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay. Đồng thời, hoàn thành triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.