• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
  • Sơ đồ Website
logo
TRANG CHỦ TIN TỨC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân

Ngày đăng

         Để người dân đến với kênh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, phát huy hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Sở Nội vụ đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ TTHC (Tổ công tác), hướng dẫn thực hiện TTHC trên môi trường điện tử cho cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh.


Thành viên Tổ công tác của Sở Nội vụ hướng dẫn cách đăng ký mở tài khoản trên Cổng DVCTT tỉnh cho cán bộ thôn của xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Ảnh: PHẠM THÙY

 

Đồng nghĩa với việc này là người dân thực hiện các dịch vụ trên môi trường mạng và nhận kết quả tại nhà, không cần đến các sở, ngành hay chính quyền địa phương. Dù được đánh giá mang lại nhiều tiện ích, song với một bộ phận không nhỏ người dân, cán bộ, công chức cơ sở, việc tiếp cận DVCTT vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Cầm tay hướng dẫn

 

Ông Đỗ Thái Nguyên, Phó Trưởng thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) cho biết: “Lần đầu đăng ký mở tài khoản trên Cổng DVCTT tôi rất bỡ ngỡ, cứ loay hoay mãi vì chưa nắm hết quy trình. Nhưng nhờ sự hướng dẫn chi tiết từng bước thực hiện, cách đăng nhập, xử lý và nộp hồ sơ trực tuyến của Tổ công tác Sở Nội vụ, tôi đã có thể tự mình thực hiện các thao tác và mở được tài khoản trên Cổng DVCTT của tỉnh. Sau đây, tôi sẽ về hướng dẫn lại cho người dân trong thôn, trong chi hội nông dân để họ có thể thực hiện TTHC tại nhà, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại”.

 

Theo chị Nguyễn Thị Khoa Mi, Công chức Văn phòng - Thống kê xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), thông qua phương pháp hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc” của các thành viên trong Tổ công tác, chỉ vài phút là đội ngũ công chức tại bộ phận một cửa của xã đã thông thạo, biết cách xử lý những tình huống, không để người dân phải chờ đợi lâu. “Việc hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến xã đã thực hiện lâu rồi nhưng vẫn gặp không ít lúng túng”, chị Mi nói.

 

Đến xã Hòa Tân Tây để công chứng giấy tờ hồ sơ đại học, Lương Nguyễn Quỳnh Trâm, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) rất phấn khởi khi chỉ vài thao tác đăng nhập trên Cổng DVCTT, em vừa có tài khoản điện tử vừa giải quyết xong thủ tục công chức. Trâm vui vẻ nói: “Em không ngờ nộp hồ sơ trực tuyến đơn giản, tiện lợi như vậy. Nhân đây, em cũng nhờ anh chị ở xã hướng dẫn cách tham gia các TTHC để từ nay có thể ở nhà tự làm và hỗ trợ mọi người trong gia đình thực hiện”.

 

Theo ông Võ Nguyên, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ), việc sở thành lập Tổ công tác, hỗ trợ hướng dẫn TTHC trên môi trường điện tử giúp cho công chức bộ phận một cửa cấp xã nắm chắc các thao tác, hiểu hết mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp thực hiện các TTHC trên môi trường mạng theo hướng "đơn giản hóa TTHC, giải quyết TTHC không tiếp xúc; thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt". Theo đó, cán bộ, công chức các xã được hướng dẫn cách thức tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu về tiện ích của việc thực hiện DVCTT; hướng dẫn và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mở tài khoản thực hiện DVCTT; tra cứu thông tin quy định về thực hiện TTHC; các thao tác gửi hồ sơ TTHC trực tuyến; nhận và sử dụng kết quả giải quyết bản điện tử. Việc cần thiết hiện nay. UBND xã, phường phải thành lập, củng cố các tổ hỗ trợ Bộ phận một cửa; đồng thời đầu tư thiết bị, nâng cao đường truyền internet để phục vụ tốt việc giải quyết TTHC trực tuyến tại địa phương.

 

Góp phần phát triển chính quyền điện tử

 

Hiện nay, các sở, ban ngành và địa phương đang quyết liệt giải quyết các TTHC cho tổ chức, cá nhân trên Cổng DVCTT. Tuy nhiên, rào cản lớn khiến người dân chưa mặn mà đối với DVCTT là thiết bị. Bởi không phải người dân nào cũng có đủ thiết bị (điện thoại thông minh, laptop…) có thể kết nối và thao tác trên máy để thực hiện TTHC trực tuyến, đặc biệt là những người dân ở nông thôn hoặc những người lớn tuổi, người ít tiếp xúc với công nghệ. Bên cạnh đó, người dân có tâm lý sợ lộ, lọt thông tin cá nhân trên mạng nên giữ thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước làm TTHC. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần có giải pháp để người dân đến với kênh giải quyết TTHC điện tử, từ đó mới phát huy hiệu quả của Cổng DVCTT.

 

Theo ông Trần Quốc Suyền, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây, để người dân dễ dàng, yên tâm tiếp cận với DVCTT, ngoài công chức làm nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp khi công dân đến tham gia giải quyết TTHC tại UBND xã, từ năm 2022, xã đã thành lập Đội tình nguyện thực hiện mô hình hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến, giải quyết DVCTT toàn trình, một phần qua cổng DVCTT tỉnh. “Đội tình nguyện có trách nhiệm mở các đợt thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, hướng dẫn tổ chức, công dân nộp hồ sơ TTHC, giải quyết DVCTT toàn trình, một phần qua DVCTT tỉnh; trực tiếp hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng nhập, tạo tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến; giải thích, thông tin cho tổ chức, cá nhân biết, nắm rõ về cách thức theo dõi tiến độ giải quyết TTHC, thời hạn trả kết quả và hướng dẫn, tư vấn lựa chọn hình thức trả kết quả giải quyết TTHC phù hợp. Đến nay, 100% văn bản được ký số và thực hiện gửi nhận dưới dạng thư điện tử; thực hiện hiệu quả việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính…”, ông Suyền cho biết.

 

Bà Lê Thị Thanh Kiều, chuyên viên Trung tâm Công nghệ thông tin & Truyền thông (Sở TT&TT), thành viên Tổ công tác chia sẻ: Khi hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các TTHC trên Cổng DVCTT, chúng tôi luôn cố gắng hướng đến các quy trình đơn giản, dễ thao tác để thu hút người dân sử dụng. Những thủ tục với nhiều quy trình phức tạp sẽ khiến người dân bị rối, từ đó họ hạn chế sử dụng. Chính vì thế, cải thiện quy trình cung cấp DVCTT cũng là một bước để giúp người dân từng bước tiếp cận với cách làm mới. Đồng thời, cán bộ, công chức cũng phải mở tài khoản và thường xuyên giao dịch để thành thục và kịp thời cập nhật những thông tin mới giúp người dân được thụ hưởng nhiều hơn, theo kịp với thời đại 4.0, hướng đến chính quyền số, kinh tế số”. 

 

Việc cầm tay hướng dẫn giải quyết TTHC trên môi trường điện tử giúp cán bộ, công chức cấp xã nâng cao kỹ năng xử lý công việc liên quan đến môi trường điện tử, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Đây là một kênh giải quyết TTHC nhanh chóng, tiện lợi và được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, chính quyền số trong giai đoạn mới.

 

Ông Võ Nguyên, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ

Về đầu trang